Nhiếp ảnh là một trong những trường phái nghệ thuật cơ bản và tồn tại khá lâu đời trong nền văn minh của nhân loại. Đối với đất nước Việt Nam chúng ta, nhiếp ảnh đã du nhập từ khá lâu và cũng có một lịch sử phát triển khá lâu đời. Tuy nhiên, với số lượng “nhiếp ảnh gia” càng ngày càng đông và không có dấu hiệu giảm đi trong số lượng ngày nay, những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh lại khá đối nghịch với sự tăng trưởng không ngừng đó. Để làm một nhiếp ảnh gia và đạt được cái danh hiệu cao quý đó thì không chỉ dừng ở việc bạn có đủ kinh phí để mua một bộ máy – lens – các phụ kiện đi kèm đắt tiền. Cơ bản hơn nữa đó là sự hiểu biết về nó và những thứ bạn biết về nhiếp ảnh. Tôi có đọc được nhiều post về những bạn trẻ nói rằng chỉ cần đi chụp có khách, có tiền, có sự nhìn nhận của cá nhân bản thân và những người thuê bạn thì bạn nghiễm nhiên có thể tự cho mình là một nhiếp ảnh gia. Tôi không phủ nhận điều đó vì đấy là sự cố gắng của cá nhân từng con người nhưng thực chất, để được công nhận thì các bạn cần có sự công nhận bằng cả kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh là gì; có bao nhiêu trường phái, bao nhiêu thể loại trong nhiếp ảnh. Đơn giản vì ở Việt Nam chúng ta, theo tôi theo dõi và được biết, tôi thấy không nhiều người phân biệt được các thể loại trong nhiếp ảnh. Kéo theo đó là sự đánh đồng, sự huyễn hoặc bản thân về kiến thức cơ bản trong nhiếp ảnh. Đây là một bài dịch phỏng theo tài liệu của nước ngoài và tôi thấy khá là đầy đủ và cơ bản về những thể loại cơ bản trong nhiếp ảnh. Ngoài ra đây là những tài liệu khá là phù hợp với suy nghĩ cũng như cách làm việc của tôi. Tôi xin khẳng định bài viết này là một bài viết mang đầy tính tranh luận và cá nhân được đúc kết theo thời gian nhiều năm đứng trong lĩnh vực nhiếp ảnh này. Vì thế, thật không công bằng khi nói rằng đây là một bài viết mẫu mực cho mọi quy chuẩn. Mong rằng mọi người sẽ tìm được một số kiến thức hữu ích áp dụng cho bản thân trên con đường nhiếp ảnh.
Trước tiên, để định nghĩa một cách cứng nhắc và quy chuẩn về các thể loại nhiếp ảnh, nó thật sự quá là khó khăn. Tôi xin khẳng định điều này. Nhiếp ảnh chân dung thuộc về thể loại hay kĩ thuật? Chúng ta thực sự khó có thể định nghĩa nó. Và ngay cả khi bạn có thuộc lòng làu làu tất cả các thể loại của nhiếp ảnh, ở đâu đó vẫn luôn có sự vượt ra ngoài các quy chuẩn về lý thuyết. Vì bản chất của nhiếp ảnh nó là nghệ thuật và nghệ thuật thì luôn là sự phát triển trên con đường nhiều ngã rẽ. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải phân chia nhiếp ảnh ra thành 4 thể loại: Sáng tạo (Creative) – Xuất bản (Editorial) – Kinh doanh (Retail) – Cá nhân (Personal).
1 – Sáng tạo (Creative): Những thể loại nhiếp ảnh tạo nên những cái nhìn – sự tưởng tượng phong phú, phóng khoáng dành cho người xem về mục đích của nhiếp ảnh gia, chúng ta gọi chúng là Creative genres photography. Với thể loại creative, chúng ta được phép sáng tạo vượt quá mọi quy chuẩn mà chúng ta đã từng được học về bố cục, ánh sáng, màu sắc..mà chúng ta phải sử dụng điều đó với Editorial photography.
2 – Xuất bản (Editorial): Những thể loại nhắm đến sự thực tế, sự chính xác và đảm bảo những quy chuẩn chúng ta xếp vào Editorial Photography. Tất nhiên chúng ta cần hiểu rằng: sẽ không có sự quy chuẩn tuyệt đối tại đây vì: chúng ta đều có thể lựa chọn những gì có thể xuất hiện trong khung hình của mình. Hoặc như chụp ảnh thời trang, chúng ta có thể đặt cái tôi – cái chất riêng vào trong những tấm hình đó.
3 – Kinh doanh (Retail): Rất rõ ràng với cái tên của thể loại này. Chúng được tạo ra nhằm làm hài lòng khách hàng của chúng ta.
4 – Cá nhân (Personal): Cũng không quá khó khi định nghĩa nó, có đúng không? Thể loại này có mục đích duy nhất đó là làm hài lòng cá nhân bản thân – những bức hình chỉ để chúng ta thỏa mãn sự lưu giữ kỉ niệm hoặc mục đích bản thân.
Vậy thế còn wedding photography (chụp ảnh cưới). portrait photography…chúng ta sẽ xếp vào đâu? Ồ, chúng ta sẽ xếp nó vào những định nghĩa lớn kia. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, nhiếp ảnh là nghệ thuật và sẽ luôn có sư vượt quá ngoài mọi định nghĩa. Nên tôi chỉ xin phép nêu tên 32 thể loại nhiếp ảnh theo hướng liệt kê và xin phép không xếp chúng vào đâu vì chúng còn tùy thuộc vào cái cách các bạn sử dụng nó. Xin phép để dành cho những phần tiếp theo…
_Sơn Râu_